Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ

Gửi Email In trang Lưu
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

11/06/2021 08:59

         Trong số những nhà thơ viết về Bác, nhà thơ Tố Hữu chưa phải là nhà thơ viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng ông là người có nhiều bài thơ hay và cảm động về Bác. Trong bài thơ “Bác ơi” – “điếu văn bi hùng” tiễn Bác về với thế giới Người hiền, ông đã viết: “Bác để tình thương cho chúng con - Một đời thanh bạch, chẳng vàng son - Mong manh áo vải hồn muôn trượng - Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.Quả đúng là như thế, cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất cho đức tính tiết kiệm, hy sinh hết thảy vì dân tộc, không gợn chút riêng tư. Chiếc va li nhỏ, vài ba bộ quần áo đơn sơ, đôi dép cao suthanh bạch “chẳng vàng son” – những vật dụng giản dị nhưng là minh chứng cho một tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm.

Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(1), tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất. Điều này luôn được Bác thực hiện trong suốt cuộc đời mình. Ngày 05/6/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trên hành trình vạn dặm đầy gian nan để tìm đường cứu nước ấy, Người đã làm đủ nghề để kiếm sống và luôn rất tiết kiệm. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên có ghi mấy dòng về cuộc sống tiết kiệm của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp: “Mỗi buổi mai, ông Nguyễn nấu cơm trong một cái sanh nhỏ bằng sắt tây đặt trên ngọn đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Ông ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng pho-mát là đủ ăn cả ngày. Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều về, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào những tờ báo cũ rồi để xuống nệm cho đỡ rét”.

Nhà số 9 ngõ Côngpoanh, quận 17, Paris (Pháp), nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở

từ 1921 đến 1923.

Trở về nước sau một chặng đường dài, Người dừng chân tại Pác Bó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa nơi núi rừng hoang vu, lạnh lẽo, cuộc sống của Bác vô cùng kham khổ, thiếu thốn. Chỗ ngủ của Người đôi khi chỉ là xếp ít cành rồi rải lá cây lên để chống chọi với sương gió núi rừng. Thiếu tướng Lê Quảng Ba – vị tướng người dân tộc Tày đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong những người đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trung Quốc về nước đã thuật lại trong hồi ký: “Sau những đêm vật lộn với mưa gió và sương lạnh, bọn thanh niên chúng tôi đã đau xương, mỏi lưng, ê ẩm khắp người. Người vẫn không phàn nàn nửa lời nhưng chắc Người đã phải chịu đựng vất vả hơn chúng tôi nhiều”(2). “Cơ quan ở cái hang sâu và kín đáo ở sườn núi mé trên, lên phải leo dốc đá vài chục thước. Cửa hang này nhỏ, luôn luôn ẩm ướt, phải bíu tay vào thành đá mới có thể chui được vào bên trong. Ngoài các cửa ra vào, nhỏ và tối, hang còn có một cửa lớn ở phía trên cao bị cây cối um tùm che khuất. Trong hang có những phiến đá to chỉ cần xếp ít cành rồi trải lá lên là có thể ngả lưng được. Chỉ ban đêm mới vào đây ngủ, còn ban ngày vẫn ra bờ suối, chỗ bãi cỏ nhỏ trong thung lũng để làm việc và thường cũng chỉ tiếp khách ở nơi này. Ở trong hang không khí ẩm thấp, nhất là ngày mưa, nước thường nhỏ giọt theo nhũ đá xuống nền lách tách không bao giờ ngớt” (3). Chỗ ngủ đã vậy, đến bữa ăn của Người cũng vô cùng thiếu thốn, ngày chỉ có hai bữa, món ăn chính là cháo bẹ, rau măng, rau rừng, cơm độn bắp,nước lá ổi thay chè. “Những lúc gần hết gạo Bác đề nghị nấu cháo bẹ thay bữa, còn rau xanh chủ yếu là măng rừng, có hôm câu được con cá hoặc hái được rau rớn (giống như dương xỉ mọc ven suối) thì nấu canh chua đổi món”(4). Trong hoàn cảnh đó, Người vẫn thường dặn dò anh em chú ý tiết kiệm, ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi.

Nơi Bác Hồ nghỉ và làm việc trong hang Cốc Bó (thuộc thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

Mãi sau này khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn luôn giữ lối sống tiết kiệm, giản dị, không đòi hỏi ưu tiên, vinh hoa cho riêng mình.Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được cùng ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhất, từng kể: “Bữa ăn nào Bác Hồ cũng tiết kiệm, vừa đủ, không bỏ món thừa, không vương vãi một hột cơm. Bác thích ăn những món dân dã như cá kho gừng, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng. Những ngày mời khách ở lại dùng cơm, Bác luôn báo trước với người cấp dưỡng chuẩn bị những món ăn hợp khẩu vị của khách. Và đặc biệt, số tiền đãi cơm Bác đề nghị phải được trừ vào tiền lương của Bác, không lấy tiền ở công quỹ. Hằng năm, vào ngày 19.5, Bác thường đi làm việc hoặc đến thăm hỏi một số nơi để tránh những nghi lễ chúc mừng phiền phức và tốn kém”.Không chỉ có bữa ăn mà mọi đồ dùng cá nhân của Người đều đơn sơ và mộc mạc, trong đó có đôi dép cao su –một hình ảnh quen thuộc củanhân dân Việt Nam và trở thành huyền thoại với bạn bè quốc tế. Đôi dép được ”chế tạo” từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép được đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ, rất vừa chân Bác. Bác đã từng đùa vui với các anh em chiến sỹ rằng:“Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa. Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được”.Dù tiếp khách trong nước hay khách quốc tế Bác vẫn thường đi đôi dép ấy. Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép… Đã không ít lần, các đồng chí phục vụ xin Bác đổi dép nhưng Người không đồng ý, vì theo Bác: “Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...”.

Đôi dép cao su của Bác được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Luôn đề cao đức tính tiết kiệm, giản dị nhưng Bác cũng chỉ rõ “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”(5), “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân…” (6). Bác dành một phần tiền lương (sau khi trừ các khoản chi tiêu)và tiền các báo trả nhuận bút cho Bácđể gửi tiết kiệm. Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội rất nóng, sau khi được biết anh em chiến sỹ trực phòng không trên nóc hội trường Ba Ðình không đủ nước uống, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác) đi lấy sổ tiết kiệmcủa Bác gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội (được khoảng 25.000 đồng, tương đương với 60 lượng vàng thời bấy giờ), đem sang Bộ Quốc phòng và gửi tặng bộ đội phòng không Hà Nội để có thêm nước giải khát trong những ngày nắng nôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đinhưng tấm gương và những lời dạy về đức tính Tiết kiệm của Người luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách, vượt qua những ham muốn vật chất, khắc phục chủ nghĩa cá nhân vụ lợiđể xây dựng một nước Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người lúc sinh thời.

 

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 5, Hà Nội, 1995, tr.636.

(2) Đỗ Hoàng Linh: Hồ Chí Minh, Hành trình 79 mùa xuân, Nxb Hồng Bàng, tr.120

(3) Đỗ Hoàng Linh (2012), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945, NXB. Hồng Bàng, tr.24.

(4) Theo Đỗ Hoàng Linh - PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, “Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những ngày đầu về nước”.

(5), (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 6, Hà Nội, 1995, tr.485.

ThS. Phạm Thị Ngọc Diệp - GV khoa NN & PL

Tin khác

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học (24/05/2021 23:48)

Hội thảo khoa học Vận dụng Nghị quyết Đại hội của Đảng vào giảng dạy (20/05/2021 14:18)

Khoa Xây Dựng Đảng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/06/2021)” (17/05/2021 08:31)

Lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính B110 huyện Yên Minh đi nghiên cứu thực tế (14/05/2021 13:51)

Khoa xây dựng Đảng tổ chức thao giảng năm 2021 (13/05/2021 13:38)

Trường Chính trị tỉnh Hà Giang tham dự Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc (19/04/2021 09:53)

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng dự Lễ Khai giảng lớp đào tạo trình độ thạc sĩ ngành kinh tế - chính trị (19/03/2021 08:55)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên (15/03/2021 16:46)

Thẩm định tập bài giảng "Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương" (09/03/2021 08:50)

Lễ kết nạp Đảng viên mới thuộc Chi bộ Khoa Lý luận cơ sở (26/02/2021 16:30)

xem tiếp