Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ

Gửi Email In trang Lưu
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

20/06/2021 10:05

          Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, với mong muốn biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến, Pháp đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc khai thác tài nguyên, bóc lột dã man của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc. Trước tình cảnh ấy, nhân dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước, đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai giành độc lập, tự do nhưng đều thất bại. Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh nhưng vẫn không tìm ra một con đường mang lại hiệu quả đích thực. Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc giành được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần.

Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba từ bến cảng Nhà Rồng trên tàu Latútsơ Tơrêvin rời Tổ quốc thân yêu vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Hành trang của anh mang theo không có gì ngoài tấm lòng yêu nước, đôi bàn tay lao động và ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Có thể nói, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước mở đầu cho cách mạng Việt Nam chuẩn bị đi vào con đường cách mạng vô sản, nhịp bước với thời đại, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân một cách hữu cơ từ trong bản chất giai cấp và trên tinh thần đấu tranh vì lợi ích dân tộc và của toàn nhân loại.

Trên đường hành trình cứu nước, Nguyễn Tất Thành chấp nhận cuộc sống của người lao động làm thuê. Đối với anh, đó chỉ là phương tiện nhằm thực hiện mục đích đã đặt ra. Động cơ thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi là tìm một giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, trước hết là nước Pháp, nước có cuộc Cách mạng 1789 điển hình, nhưng cũng là nước đẻ ra chế độ thực dân đang thống trị Tổ quốc của anh. Ý nghĩ này xuất hiện ở Nguyễn Tất Thành rất sớm, như sau này Người nói: Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và cả Môngtexkơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài. Đó là mục tiêu trực tiếp của chặng đầu cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành. Muốn “trở về giúp đồng bào” thì trước hết phải hiểu thật đầy đủ kẻ thù đang áp bức dân tộc mình, nhất là từ trên mảnh đất đã sản sinh ra nó, đồng thời phải tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn theo đường hướng mới. Sự khác biệt giữa Nguyễn Tất Thành với những người sang Pháp hồi ấy là ở chỗ đó.

 

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.

Ra đi tìm đường cứu nước với tuổi đời còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin... Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bối cảnh bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện tính vượt trội của tư tưởng khi nhận ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.

Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Nhận thức của Người về sức mạnh của nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và các nước chính quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân, về chính quyền cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng… ngày càng sâu sắc và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo. Và Người đi đến kết luận quan trọng: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản và rằng “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, bóc lột và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

 Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.

Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách Mệnh”, Người đã chuẩn bị cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức  để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước nhu cầu bách của phong trào cách mạng Việt Nam từ ngày 06/01 đến ngày 7/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã diễn ra hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản lại thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã nhất trí thống nhất các nhóm cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất dù vắn tắt nhưng đã phản ánh những vấn cơ bản trước mắt và lâu dài cho cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam sang một bước ngoặt lịch sử vĩ đại.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, đói nghèo và lạc hậu.

Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, năm 1941 Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; ngày 02/9/1945, Người đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập rèn luyện.

Ngày 23/9/1945 với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa thực dân Pháp đã quay trở lại nước ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chi Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ngày 07/5/1954.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, giang sơn thu về một mối, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang sử chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta - Kỷ nguyên của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Từ 1975 đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Hơn 90 năm qua, hoạt động của Đảng ta đã làm cho đất nước, con người Việt Nam thay đổi hoàn toàn, từ một xã hội lầm than, vươn lên một xã hội tươi sáng; Đảng tin dân, biết dựa vào dân; dân tin Đảng và kiên quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; ngày nay vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên, đây là một cơ hội để đất nước Việt Nam vững tin tiến bước trong thời kỳ hội nhập Quốc tế và cũng là một kỳ vọng của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ xây dựng nước Việt nam hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Th.s.Nguyễn Thị Hồng – GV Khoa Xây dựng Đảng

Tin khác

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một đời thanh bạch, chẳng vàng son (11/06/2021 08:59)

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học (24/05/2021 23:48)

Hội thảo khoa học Vận dụng Nghị quyết Đại hội của Đảng vào giảng dạy (20/05/2021 14:18)

Khoa Xây Dựng Đảng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/06/2021)” (17/05/2021 08:31)

Lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính B110 huyện Yên Minh đi nghiên cứu thực tế (14/05/2021 13:51)

Khoa xây dựng Đảng tổ chức thao giảng năm 2021 (13/05/2021 13:38)

Trường Chính trị tỉnh Hà Giang tham dự Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc (19/04/2021 09:53)

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng dự Lễ Khai giảng lớp đào tạo trình độ thạc sĩ ngành kinh tế - chính trị (19/03/2021 08:55)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên (15/03/2021 16:46)

Thẩm định tập bài giảng "Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương" (09/03/2021 08:50)

xem tiếp