Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ

Gửi Email In trang Lưu
Chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ

22/07/2021 10:03

         Ngày 27/7/1947, trong bức thư gửi Ban Thường trực tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:"... Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...".

Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Nhà nước ta luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn vàkhông ngừng quan tâm, chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sỹ, ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Văn bản pháp luật đầu tiên về thương binh, liệt sỹ là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 16/02/1947 quy định về "Hưu bổng thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ". Sau đó, Sắc lệnh trên đã được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948 quy định rõ hơn về các trường hợp gọi là thương binh, “tử sĩ”, bổ sung các quy định về việc thực hiện chế độ “hưu bổng thương tật” đối với thương binh và chế độ  “tiền tuất cho thân nhân tử sỹ”. Đến ngày 17/11/1954,để cho đơn giản và hợp lý, trên tinh thần ưu đãi thương binh, Bộ Thương binh, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định liên bộ số 18/NĐ về “sửa đổi lại chế độ lương hưu thương tật thành phụ cấp thương tật”. Trong giai đoạn này, do hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh nên các văn bản pháp luật về thương binh, liệt sĩ còn đơn giản, nội dung còn mang tính hướng dẫn là chủ yếu. Bên cạnh đó, do khả năng kinh tế đất nước thời chiến còn khó khăn nên trợ cấp mới chỉ mang tính chất tượng trưng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, pháp luật đối với thương binh, liệt sỹ đã phát triển tương đối toàn diện về các nội dung chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh và gia đình liệt sỹ như Thông tư liên bộ số 52-TTLB ngày 22/8/1956 của Bộ Tài chính và Bộ Thương binh và xã hội về “thể thức thanh toán phí tổn làm chân tay giả cho thương binh”, Thông tư liên bộ số 86-TT/LB ngày 05/11/1958của Bộ Tài chính và Bộ Thương binh “Về việc sử dụng ngân sách xã vào việc cất bốc, xây, đắp mồ mả, bia đài liệt sĩ ở các xã”, Thông tư liên bộ số 50-TT/LB ngày 14/10/1959 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ “Về việc chăm sóc giúp đỡ gia đình liệt sĩ, gia đình tử sĩ”, Thông tư liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính số 5/TT-LB ngày 07/02/1975 về “hướng dẫn thực hiện chế độ khám bệnh, chữa bệnh đối với thương binh, những người bị thương được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động”...Trong giai đoạn này, các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ đã góp phần động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân hăng hái trong chiến đấu, hết lòng chi viện cho miền Nam ruột thịt và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ.

Từ sau năm 1975, chính sách, pháp luật đối với thương binh, liệt sỹ của Nhà nước ta đã có những thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Để thể hiện đầy đủ hơn nữa sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, chính sách, pháp luật về thương binh, liệt sỹ lúc này tập trung vào các nội dung như giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, thống nhất các chế độ ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ trong cả nước...Có thể kể đến các văn bản như Quyết định số 60-CP ngày 05/4/1976 của Hội đồng Chính phủ Về việc bổ sung một số điểm về chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ”,Quyết định số 301/CPngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ về “bổ sung về tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, Thương binh và về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ”... Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 1980 đã quy định rõ: “Nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, tạo điều kiện cho thương binh phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có cuộc sống ổn định”. Đây là lần đầu tiên, chúng ta quy định về chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ trong Hiến pháp – Đạo luật tối cao của một quốc gia.

Tại Nghị quyếtĐại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV,Đảng ta đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là: “Săn sóc và giúp đỡ chu đáo thương binh, gia đình liệt sĩ  gia đình có công với cách mạng. Tích cực chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khoẻ của thương binh, cung cấp phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết; tổ chức tốt việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho thương binh. Thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Những người và những gia đình có công với cách mạng cần được nêu gương và khen thưởng thích đáng, và được giúp đỡ chu đáo những khi gặp khó khăn”.Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 07/11/1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số283/CT về việc tăng cường chăm sóc, giáo dục và quản lý thương binh, bệnh binh”. Tiếp đó, ngày 18/9/1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 236/HĐBT về“bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội” nhằm quy định thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta tại thời điểm đó còn nhiều khó khăn, lại đang trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nên việc thực hiện chính sách đối vớithương binh, liệt sỹcòn gặp nhiều khó khăn.

Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Quy định này đã được cụ thể hóa bằng Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật đối với thương binh, liệt sỹ, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành pháp lệnh nàylà nền tảng pháp lý cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai chăm lo cho thương binh và gia đìnhliệt sỹ.

Sau 10 năm thực hiện và qua 03 lần sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông quaPháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 thay thế Pháp lệnh năm 1994vì không còn phù hợp, chưa thực sự công bằng. Đến ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, đối tượng hưởng chế độ ưu đãiđược mở rộng hơn; các chế độ ưu đãi, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng được quy định cụ thể hơn.

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 về ưu đãi về người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh năm 2012 nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có thương binh, liệt sỹ được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ, đồng thời để giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng.

Như vậy, có thể thấy, hệ thống chính sách, pháp luật đối với thương bình, gia đình liệt sỹ trong thời gian gần đây tương đối đầy đủ và cơ bản, đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng đối với thương binh, liệt sỹ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, động viên thương binh và gia đình liệt sỹ.

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình "đền ơn đáp nghĩa"”.Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã tích cực khắc phục những khó khăn, bất cập, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển mạnh mẽ. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ nhằm động viên, giúp đỡ giảm bớt những khó khăn cho những người đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc.

ThS. Phạm Thị Ngọc Diệp - GV khoa NN & PL

Tin khác

Khoa Nhà nước và Pháp Luật tổ chức Hội thảo khoa học năm 2021 (09/07/2021 10:51)

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam (20/06/2021 10:05)

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một đời thanh bạch, chẳng vàng son (11/06/2021 08:59)

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học (24/05/2021 23:48)

Hội thảo khoa học Vận dụng Nghị quyết Đại hội của Đảng vào giảng dạy (20/05/2021 14:18)

Khoa Xây Dựng Đảng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/06/2021)” (17/05/2021 08:31)

Lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính B110 huyện Yên Minh đi nghiên cứu thực tế (14/05/2021 13:51)

Khoa xây dựng Đảng tổ chức thao giảng năm 2021 (13/05/2021 13:38)

Trường Chính trị tỉnh Hà Giang tham dự Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc (19/04/2021 09:53)

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng dự Lễ Khai giảng lớp đào tạo trình độ thạc sĩ ngành kinh tế - chính trị (19/03/2021 08:55)

xem tiếp