Thứ bảy, Ngày 11 Tháng 5 Năm 2024

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ

Gửi Email In trang Lưu
Phụ nữ Việt Nam – “Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”

11/10/2021 05:42

Phụ nữ Việt Nam – “Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”*

          *Trích bài thơ “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam không thể không kể đến những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ Việt Nam. Dù ở thời đại nào, chúng ta cũng có những người phụ nữ tài trí, kiên cường, trung hậu, bất khuất, đóng góp tài trí, công sức cho nền độc lập của nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021); 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021) và 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) chúng ta cùng điểm lại những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Ngay từ buổi bình minh rực rỡ của lịch sử dựng nước, phụ nữ Việt Nam không những kiên cường, bất khuất mà còn có khả năng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) đã lãnh đạo nhân dân dấy cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán – đây là cuộc khởi nghĩa lớn chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Với lời thề “Một xin rửa sạch nước thù – Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng – Ba kẻo oan ức lòng chồng – Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”, Hai Bà Trưng đã vận động và tập hợp dân chúng phát động khởi nghĩa. Theo lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa, trong đó có 97 vị nữ tướng như: Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân, Ngọc Phượng, Quách A Nương, Hồ Đề, Lê Thị Hoa, Xuân Nương, Đàm Ngọc Nga, Nàng Quỳnh – Nàng Quế...

Di tích lịch sử đền Hát Môn – nơi thờ Hai Bà Trưng, thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội

Tiếp nối tinh thần chống giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng, hơn hai trăm năm sau, vào năm 248, có một bậc anh hùng liệt nữ của nước Việt là Bà Triệu - Triệu Thị Trinh đã gây dựng căn cứ trên đỉnh núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) cùng ba anh em họ Lý phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô, làm chủ các quận Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam. Cuộc khởi nghĩa tuy chưa giành thắng lợi hoàn toàn nhưng đã nêu cao truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của dân tộc, làm thức tỉnh tinh thần chống giặc ngoại xâm của nhân dân cả nước.

Sau Bà Trưng, Bà Triệu, trong suốt thời Bắc thuộc và thời kỳ phong kiến, đã có rất nhiều người phụ nữ ghi tên mình vào truyền thống oanh liệt của phụ nữ Việt Nam như Dương Khoan Khoáng – nữ tướng nổi tiếng, có công lớn cùng Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân, Phạm Thị Uyển – vợ Mai Hắc Đế, được xem là vị hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử nước ta từng cầm quân đánh giặc, nữ tướng Bùi Thị Xuân – người góp công lớn giúp vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) đánh tan quân Xiêm...

Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược của thực dân phương Tây ở Việt Nam. Từ đây cho đến ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cũng ghi dấu tên tuổi của rất nhiều người phụ nữ Việt Nam. Những cái tên như bà Ba Cẩn (vợ ba của Đề Thám), chị Thái Thị Bôi, Ấu Triệu Lê Thị Đàn... đã tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước cao đẹp, tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc của phụ nữ Việt Nam.

Từ khi thành lập Đảng (năm 1930), những hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, phong trào phụ nữ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú. Để phù hợp với sự phát triển của phong trào cách mạng, phụ nữ đã tập hợp thành tổ chức với các tên gọi như "Hội Phụ nữ giải phóng", "Phụ nữ Hiệp Hội", "Hội Phụ nữ dân chủ", "Hội Phụ nữ giải phóng"... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Hội phụ nữ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu của giai đoạn này có thể kể đến chị Nguyễn Thị Minh Khai - người nữ chiến sỹ cộng sản đầu tiên, Nguyễn Thị Thập - tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho, bà Hà Thị Quế - người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Yên Thế thành công vào ngày 18/8/1945, anh hùng Mạc Thị Bưởi - một trong những người được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ngay trong đợt phong tặng đầu tiên năm 1955...

Chân dung đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Trong 9 năm (từ năm 1945 – 1954), cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện như "đòn gánh đánh Tây", “tầm vông diệt giặc”. Tiêu biểu là đội nữ du kích Hoàng Ngân thu hút được 7.365 chị em tham gia, Trung đội nữ tự vệ chiến đấu Minh Khai, Đội nữ tự vệ đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn... Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn chị em giao liên đã ngày đêm vận chuyển công văn, tài liệu; đưa đón cán bộ an toàn. Ngoài lực lượng nữ dân quân, tự vệ, du kích ở các địa phương, số lượng chị em tham gia vào các đơn vị bộ đội chủ lực cũng ngày càng tăng lên. Trong thời kỳ này, nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như chị Võ Thị Sáu, chị Nguyễn Thị Chiên, “nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi, nữ quân báo Lê Thị Tạo...

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Genève được ký kết (ngày 20/7/1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam chống Mỹ. Từ đây cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, suốt 21 năm chiến đấu gian khổ, phụ nữ Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước thể hiện rõ ý chí quyết tâm đánh giặc ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công với nhiều tấm gương tiêu biểu. Trong hoản cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt ấy, nhiều cô gái đã giành trọn những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời để chiến đấu cho độc lập, tự do của đất mẹ. Trong đó có nữ tướng Nguyễn Thị Định – nữ Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên, bà là “linh hồn” của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, bà đã lãnh đạo “đội quân tóc dài” lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, khiến cho quân giặc phải khiếp sợ đến nỗi viên Đại tá, chỉ huy trưởng cuộc hành quân Nguyễn Văn Y trong phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre đã phải thốt lên: “Thôi đành phải chịu thua đội quân đầu tóc”; Trung đội nữ dân quân Nam Hồng anh dũng, sẵn sàng thay thế các pháo thủ, đã tham gia chiến đấu 123 trận, băng bó vận chuyển 82 thương binh, cùng tổ chức mai táng 43 liệt sỹ, vận chuyển 210 tấn lương thực, 45 tấn hàng quân sự, đào 2.250 hầm hố, 2.300m giao thông hào; 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại Ngã Ba Đồng Lộc trong lúc đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe ra tiền tuyến; Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy ban đầu gồm 37 cô gái tuổi từ 16 đến 20 tuổi nhưng họ đã vác những khẩu pháo 85 ly rất nặng và chỉ trong 100 ngày đầu năm 1968, Đội đã bắn trúng ba tàu khu trục Mỹ, tạo tiếng vang lớn; Đại tá tình báo Đinh Thị Vân; “Người con gái của Nụ cười chiến thắng” Võ Thị Thắng, anh hùng La Thị Tám – người nữ thanh niên xung phong đã vượt mưa bom bão đạn của kẻ thù, đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom đánh dấu cho công binh đến phát nổ và sau này bà trở thành nguyên mẫu nữ nhân vật trong bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho...

Nữ anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam La Thị Tám (Chụp năm 1969)

Trên chiến trường, những người phụ nữ là một trong những lực lượng quan trọng trong chiến đấu bảo vệ đất nước. Tại hậu phương, những người phụ nữ Việt Nam lại tích cực xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước như thời Lý có Nguyên phi Ỷ Lan đã buông rèm nhiếp chính, giữ hậu phương vững chắc giúp vua Lý Thánh Tông yên tâm đánh giặc, sau này khi vua Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, bà đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến, góp phần đánh bại quân Tống giữ vững giang sơn xã tắc; Thời Trần có Bà Lý Thị Châu (Bà chúa Kho) đã chỉ huy quân sĩ  bảo vệ kho lương, nhu yếu phẩm, lo việc hậu cần cho binh sỹ; Thời Lê có bà Phạm Thị Ngọc Trần – vợ vua Lê Thái Tổ, trong những ngày đầu khởi nghĩa, những lần nghĩa quân Lam Sơn bị địch vây hãm ở núi Linh Sơn, bà đã cùng Nguyễn Nhữ Lãm vượt vòng vây để huy động thuyền chài chở gạo muối cho nghĩa quân…

Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ sau này, người phụ nữ Việt Nam lại càng phát huy vai trò làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc. Ở bất kỳ đâu, những chiến sỹ cách mạng của Đảng cũng được những người phụ nữ đùm bọc, che giấu trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù như má Hai Ron (tỉnh An Giang) đã cùng chồng đào 22 chiếc hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mễ (tỉnh quảng Nam) đã đào 13 căn hầm để nuôi cán bộ trong nhà, trong vườn; ở Hà Nội, nữ du kích xã Long Biên đã dùng bãi sông Bồng Lai, Hạ Trại làm căn cứ, vượt mọi khó khăn đào hầm ngụy trang đánh địch lùng sục, thăm dò địch để giúp cán bộ hoạt động... Những người phụ nữ còn bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù để vận chuyển lương thực, thuốc men, súng đạn cho tiền tuyến, đưa đón bộ đội, góp phần đánh thắng nhiều chiến dịch quan trọng. Trong đó có thể kể đến anh hùng Ngô Thị Tuyển với cân nặng chỉ có 42 kg, bà đã vác 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng Thanh Hóa; mẹ Suốt (tỉnh Quảng Bình) mặc cho bom đạn gầm rú ở trên đầu, tuổi đã 60 nhưng mẹ Suốt vẫn ngày đêm chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông... Bên cạnh đó, còn có những nữ y tá quân y ngày đêm bám sát trận địa với bộ đội, chăm sóc thương binh, trong những lúc cần kíp nhiều nữ y tá còn kiêm cả nhiệm vụ tải thương binh, băng qua đạn bom đưa thương binh về đến nơi cứu chữa an toàn.

Tượng đài mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ (Quảng Bình)

Không chỉ có vậy, trên đất nước ta còn có hàng trăm nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ tiễn chồng lên đường đi chiến trường mà còn dâng hiến những người con của mình cho Tổ quốc như Mẹ Nguyễn Thị Thứ (quê Quảng Nam) 9 lần tiễn con ra chiến trường thì cả 9 người không về; gia đình mẹ Lê Thị Hẹ (ở Quảng Trị) có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 17 liệt sĩ; “bà mẹ dũng sĩ” Nguyễn Thị Rành (ở Củ Chi) vừa là bà mẹ Việt Nam anh hùng đồng thời là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có 8 người con trai và 2 cháu nội, ngoại lần lượt ra đi mãi mãi không về theo tiếng gọi của non sông...

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ bên mâm có chín cái bát, chín đôi đũa giành cho 9 người con của mẹ đã hy sinh.

Đại thi hào người Nga Maksim Gorky đã viết: “Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”. Việt Nam – Một dân tộc không chỉ có nhiều anh hùng trong kháng chiến mà còn có nhiều nữ anh hùng. Trong suốt chặng đường dựng nước, giữ nước đầy oai hùng và vẻ vang của dân tộc đã ghi dấu hình ảnh của rất nhiều người phụ nữ đã góp phần vào sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ giang sơn đất nước. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ nhất, biểu tượng của khí phách kiên cường, gan dạ, anh hùng của bao thế hệ người phụ nữ Việt Nam đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngợi ca: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường, Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”

ThS. Phạm Thị Ngọc Diệp - GV khoa NN & PL

Tin khác

Công bố quyết định của BTV Tỉnh ủy về công tác cán bộ (04/10/2021 19:07)

Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2021 (29/09/2021 06:59)

Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Chính trị tỉnh làm việc tại xã Lũng Táo (31/08/2021 23:15)

Bế giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính B110 (hệ không tập trung) huyện Yên Minh (31/08/2021 23:05)

Khai giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị B119 (hệ không tập trung) huyện Đồng Văn (31/08/2021 22:42)

Chi bộ Khoa Lý luận cơ sở kết nạp Đảng viên mới (06/08/2021 09:52)

Chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ (22/07/2021 10:03)

Khoa Nhà nước và Pháp Luật tổ chức Hội thảo khoa học năm 2021 (09/07/2021 10:51)

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam (20/06/2021 10:05)

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một đời thanh bạch, chẳng vàng son (11/06/2021 08:59)

xem tiếp